Thứ 3, 20/5/2020 12:30
Đăng nhập thành công

Review game Tony Hawk's Pro Skater 1+2 – Nỗ lực tìm kiếm sự huy hoàng trong quá khứ?

Trải qua những thăng trầm cùng với vô vàn lỗi game, gameplay tệ hại và hứng chịu mọi lời chỉ trích từ game thủ thì mới đây nhà phát triển Vicarious Visions đã công bố sẽ vực dậy những ngày huy hoàng của cuối những năm 90 thông qua tựa game Tony Hawk’s Pro 1+2.

Nhà phát hành: Activision

Nhà phát triển: Vicarious Visions, Neversoft

Ngày ra mắt: 14/8/2020

Hệ máy: PlayStation 4, Xbox One, PC

Phần lối chơi của Tony Hawk's Pro Skater 1+2 được giữ hoàn toàn nguyên vẹn khi bạn được chọn các cấp độ dựa trên các địa điểm khác nhau trên khắp thế giới, sử dụng ván trượt để hoàn thành các mục tiêu đặt ra chẳng hạn như đạt điểm cao nhất trong khoảng thời gian nhất định hay thu thập các chữ cái để đánh vần “SKATE”.

Nhà phát triển Vicarious Visions đã giữ nguyên vẹn những phần hay nhất của game, thêm vào đó nhiều điểm cải tiến, bao gồm việc mở rộng thêm các chiêu trò mà người chơi có thể làm trên ván trượt. Hành động này đã góp phần nâng những tựa game kinh điển này lên một tầm cao mới. Với việc xâu chuỗi các combo lại với nhau tạo cảm giác tuyệt vời cùng hệ thống điều khiển mượt mà hơn và đồ họa hiện đại khiến gameplay không bao giờ trở nên quá nhàm chán.

TH 2

Với tư cách là một người hâm mộ trò chơi gốc, mình thật sự hài lòng với những gì nhà phát triển đã thêm vào tựa game trong khi vẫn giữ nguyên những trải nghiệm và lối chơi cũ. Tựa game vẫn giữ nguyên hầu hết dàn nhân vât cùng với gần như tất cả soundtrack từ 2 phần gốc, mang đến một trải nghiệm hoài cổ cho người chơi. Được tự do điều khiển những cái tên đã trở thành huyền thoại trong làng lướt ván điển hình như Tony Hawk hay Leo Baker, lắng nghe những ca khúc đậm chất hip hop đường phố khiến mình như được trở lại những ngày xưa cố gắng cày cuốc chỉ để hoàn thành 100% tựa game này.

Một sự thật khá thú vị rằng đây cũng là 1 trong số các game đầu tiên mà mình đã phá đảo lúc còn nhỏ. Có thể nói Tony Hawk’s Pro 1+2 đã góp phần mang đến cho mình 1 phần tuổi thơ. Trở lại với tựa game sau bao năm xa cách, mình liên tục bị ấn tượng bởi cách thiết kế môi trường và hiệu ứng đồ họa được đầu tư và chỉn chu hơn rất nhiều so với phiên bản gốc. Các cấp độ vẫn giữ nguyên so với các phiên bản của 20 năm trước, đồng thời cũng bổ sung thêm rất nhiều giao diện cũng như màn chơi mới có thể mở khóa.

TH

Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất chính là việc các đường phố, ngóc nghách, cấp độ trong trò chơi mặc dù đã được “thay da đổi thịt” cho phù hợp với bối cảnh hiện đại nhưng vẫn giữ vững các giá trị từ các phần game trước. Lướt ván qua các con hẻm của San Francisco và New York vẫn mang lại cảm giác tuyệt vời. Bản thân mình đã dành hàng tiếng đồng hồ chơi đi chơi lại các màn Warehouse, Hangar và Chicago Skatepark chỉ để cảm nhận cảm giác thân quen mà nó mang lại.

Một số cấp độ còn ẩn chứa các điểm thú vị mà trên đó bạn có thể liên kết các chuỗi combo lớn với nhau, các đường dốc khổng lồ cùng vô số đường vịn và cạnh sắt thích hợp để mài ván, cùng với nhiều vật phẩm có thể đập phá. Nhược điểm duy nhất của các màn này là một số đồ vật bạn phải phá hủy, như chuông của trường học hoặc biển báo “Cấm trượt băng” ở Minneapolis có thể trở nên khá khó để phát hiện hơn do việc nâng cấp hình ảnh.

tony-hawks-pro-skater-1-2

Trong trường hợp bạn chán và muốn tìm kiếm những địa điểm mới để thử tài lướt ván, bạn có thể tham gia tự thiết kế màn chơi của mình. Với 1 hệ thống lớn tùy chọn bao gồm các công cụ thông minh có thể uốn cong tại nhiều điểm khớp nối, tạo dựng màn chơi 1 cách trực quan giúp bạn tự do thỏa sức sáng tạo hơn bao giờ hết. Đặc biệt sau khi hoàn thành, bạn còn có thể tải tác phẩm của mình lên mạng để chia sẻ với những người chơi khác.

Sau khi đã hoàn thành các màn chơi trong game, mình đã thử qua và rất thích thú với tính năng chia sẻ cộng đồng. Cụ thể mình đã tạo ra 1 màn chơi giống như 1 chiếc hồ bơi khổng lồ cùng với vô vàn thanh sắt trên trần nhà và cố gắng sử dụng cái hồ bơi như 1 bệ phóng để lướt lên trên các thanh sắt đó.

tonyhawk

Ngoài việc chia sẻ màn chơi của bản thân, bạn cũng có thể tham gia thi đấu với các người chơi khác online. Trong chế độ này, 8 người sẽ được xếp chung với nhau và cố gắng giành chiến thắng thông qua các nhiệm vụ nhất định. Những nhiệm vụ trải dài từ tương đối đơn giản như cố đạt được điểm số cao nhất trong thời hạn cho đến độc đáo như chế độ graffiti cho phép bạn cố gắng gắn thẻ càng nhiều đối tượng càng tốt bằng cách thực hiện các combo trên chúng. Mình thích cách bạn có thể tham gia trận đấu tiếp theo ngay sau khi đã kết thúc trận đấu trước đó mà không cần phải đợi quá lâu. Điều này cũng phần nào cho thấy sức hút của tựa game này lớn đến mức nào.

Tuy nhiên trải nhiệm online của mình nhanh chóng bị phá vỡ bởi việc phải liên tục lặp đi lặp lại các mục tiêu cùng với việc một số người chơi tham gia phá game. Có lẽ vì vậy nên mặc dù kiếm được tiền để sắm đồ trong game, mình lại không cảm thấy có động lực để chơi tiếp sau 1 vài round đấu nhàm chán.

Kết luận

Tony Hawk’s Pro Skater 1+2 có thể khiến cho các trải nghiệm đối với trò chơi này trở nên mới mẻ và hiện đại. Cùng với đồ họa tuyệt vời, lối chơi mượt mà và phần soundtrack đã mang tính biểu tượng, có thể nói tựa game đã 1 lần nữa vực dậy dòng game Tony Hawk’s Pro Skater đang ngày một lụi tàn, tiếp tục trở lại những ngày tháng huy hoàng trong quá khứ.